Kỹ năng chăm sóc trẻ sơ sinh căn bản bạn cần biết khi lần đầu làm mẹ ( P1)

Lần đầu làm cha mẹ, chắc hẳn cảm giác của mỗi người đều rất khác biệt. Nỗi vui mừng xen kẽ lo lắng, đôi lúc là sợ hãi với những vấn đề xảy ra đầu tiên trong đời khi chăm sóc trẻ nhỏ. Để ba mẹ không bỡ ngỡ khi xử lý các tình huống bất ngờ, Smee xin chia sẻ một vài kỹ năng căn bản chăm sóc trẻ sơ sinh mới lọt lòng. Trang bị kiến thức là cách tốt nhất để chúng ta học làm cha mẹ.

Kỹ năng chăm sóc trẻ sơ sinh căn bản bạn cần biết khi lần đầu làm mẹ

Kỹ năng bế bé sơ sinh

Nếu có dịp thăm quan các khoa sản phụ tại bệnh viện, bạn sẽ thấy khá ngạc nhiên với những kiểu bế con lần đầu của các ba mẹ vừa lên chức. Nhiều người khá sợ hãi khi bế trẻ sơ sinh vì họ cảm thấy bé quá nhỏ, nếu không cẩn thận sẽ bị rơi. Tuy nhiên, việc bế trẻ không phải là việc quá khó. Hãy giữ bình tĩnh trong những lần đầu, dần dần ba mẹ sẽ quen thôi.

Chú ý khi bế trẻ sơ sinh:

  • Nâng phần đầu và cổ của bé. Hãy đặt 1 tay đỡ đầu, một tay đỡ mông trẻ. Để bé áp sát vào bờ ngực của ba mẹ, theo tư thế dốc xuống góc 45 độ.
  • Không đung đưa rung lắc mạnh sẽ ảnh hưởng đến thần kinh của bé.
  • Tránh va chạm tuyệt đối vào phần thóp của bé. Thóp thở còn mềm, chưa đóng hết và bé sẽ xảy ra nguy hiểm nếu va chạm mạnh.

Kỹ năng cho trẻ sơ sinh bú

Những ngày đầu tiên của bé, việc cho trẻ bú đối với nhiều mẹ khá căng thẳng. Đa phần các chị em bế con chưa quen, bé còn quá nhỏ chưa ngậm được ti mẹ, ngực mẹ quá to/nhỏ hay bị tụt núm ti… đều là các vấn đề khá khó khăn. Tuy nhiên, mẹ hãy bình tĩnh và cùng bé vượt qua giai đoạn này. Bé bú mẹ là phản xạ tự nhiên, bé sẽ hợp tác nhưng cần thời gian nếu lần đầu chưa quen. Mẹ cũng có thể sử dụng bình sữa để bé bú nếu sức khỏe còn chưa ổn định, sử dụng thêm sữa công thức nếu sữa mẹ chưa về hoặc không đủ để bé ti.

Chú ý khi cho trẻ sơ sinh bú:

  • Vệ sinh núm ti sạch sẽ bằng khăn sạch và nước ấm
  • Bế bé theo tư thế hướng dẫn phía trên, áp đầu ngực của mẹ vào ngực bé, bụng mẹ vào bụng bé
  • Cố gắng cho bé ngậm cả quầng vú mẹ. Nhớ đỡ phần đầu cổ và toàn thân bé
  • Cho bé vỗ ợ hơi khi vừa bú để giảm thiểu tình trạng nôn trớ. Do bé có hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện nên rất dễ đầy bụng sau ăn.
  • Không cho bé bú quá no, bé sẽ dễ nôn trớ. Trong trường hợp bé nôn trớ, mẹ hãy xem cách xử lý bên dưới bài viết nhé.

Kỹ năng thay tã cho trẻ sơ sinh

Thời gian mới lọt lòng, bé sẽ đi phân su. Thông thường một ngày bé có thể sẽ phải dùng đến 7-12 chiếc bỉm. Sau giai đoạn khoảng 1 tuần đầu, bé sẽ giảm số lần đi vệ sinh xuống. Mẹ nhớ thay bỉm cho bé thường xuyên vì da trẻ khá yếu ớt, mỏng và dễ hăm. Mẹ có thể đặt bé trên giường, nhấc nhẹ phần mông ra khỏi bỉm, xé hai bên, lau rửa vệ sinh cho bé từ trong ra ngoài và mặc đồ mới cho bé.

Chú ý khi thay tã/bỉm:

  • Chọn loại tã/bỉm mềm mịn thích hợp cho da trẻ sơ sinh
  • Vệ sinh sạch sẽ cho bé, dùng khăn ướt và khăn khô, nhớ để da bé khô thoáng sau đó mới mặc bỉm nhằm tránh hầm bí, khó chịu
  • Điều chỉnh bỉm cân đối sau khi mặc cho bé
  • Không để bỉm/tã chạm lên cuống rốn của bé gây đau và khó chịu.
Kỹ năng cho trẻ sơ sinh ngủ

Những ngày mới chào đời, bé vẫn chưa quen với nhịp sống hiện tại. Mẹ có thể học cách quấn bé để bé ngủ ngon hơn trong tháng đầu tiên. Tuy vậy, mẹ lưu ý không nên quấn bé quá chặt, bé sẽ khó chịu hoặc khó thở.

Chú ý khi cho trẻ sơ sinh ngủ:

  • Không nên đặt bé ngủ khi vừa bú xong, bé có thể bị nấc/trớ/khó thở
  • Mẹ hoặc người thân có thể bế bé ngủ, tạo môi trường ngủ thuận lợi như yên tĩnh, tắt đèn.
  • Không rung lắc trẻ mạnh khi ngủ
  • Để bé nằm ngửa hoặc nghiêng, không nên để bé nằm sấp khi ngủ vì có thể gây ngạt thở.
Kỹ năng cho trẻ sơ sinh tắm

Khi mới sinh bé thường phải đeo băng rốn. Việc tắm cho trẻ sơ sinh ngày nay không còn khó khăn nhiều với các mẹ bỉm sữa vì đã có dịch vụ tắm bé. Tuy vậy, nếu gia đình tự tắm cho bé trong những ngày đầu thì cần chú ý những điều sau:

  • Vệ sinh thật sạch sẽ phần băng rốn, để rốn bé khô ráo, tránh vi khuẩn xâm nhập sẽ nhiễm trùng, mưng mủ
  • Chọn sữa tắm dịu nhẹ cho bé, thích hợp với làn da trẻ sơ sinh.
  • Nước tắm cho bé phải là nước ấm, không quá nóng, không quá lạnh
  • Khi tắm cần vệ sinh mặt, kẽ tay, chân, nách, cổ, bẹn, háng, đặc biệt các khu vực có nếp gấp trên cơ thể bé.
  • Sau khi tắm, bé cần được lau khô người trước khi mặc quần áo. Ba mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ khi sử dụng thêm các sản phẩm cho trẻ như: phấn rôm, kem chống hăm, tinh dầu..vv
Kỹ năng xử lý khi trẻ sơ sinh bị hóc, sặc, nôn trớ

Khi bị hóc, sặc, nôn trớ, mẹ cần phải xử lý ngay để thông đường thở cho bé, đẩy các dị vật ra ngoài.

Để hạn chế nôn trớ, hóc, sặc, mẹ không nên cho bé bú quá no. Mẹ nên bế bé khoảng 10 phút sau khi ăn hoặc đặt bé nằm nôi với góc nghiêng khoảng 45 độ.

Cách xử lý bé nôn trớ:

Cách 1: Khai thông đường thở bằng cách úp mặt bé lên đùi, đầu bé hơi chúc xuống, 1 tay mẹ giữ bé, 1 tay mẹ vỗ nhẹ vào lưng bé 5-7 cái để đẩy dị vật.

Cách 2: Nếu bé vẫn khó thở, mẹ đặt bé nằm ngửa, đầu chúc xuống, dùng 2 ngón trỏ nhấn nhanh mạnh và dứt khoát vào xương ức để đẩy dị vật.

Kỹ năng xử lý sặc trớ ở bé sơ sinh

Trên đây là 06 kỹ năng căn bản nhất để chăm sóc trẻ sơ sinh những ngày vừa chào đời. Tất nhiên, 06 kỹ năng trên chỉ mang tính chất cơ bản, ba mẹ bắt buộc phải tìm hiểu thêm rất nhiều kỹ năng nâng cao khác. Smee sẽ tiếp tục phần 02 của bài viết Kỹ năng chăm sóc trẻ sơ sinh để ba mẹ hiểu cách chăm bé tốt hơn. Chúc ba mẹ và các bé luôn mạnh khỏe.

 

Viết bình luận